Tại Việt Nam, đối với lĩnh vực nhân thọ, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được coi là kênh phân phối chuyên nghiệp thứ hai sau kênh phân phối truyền thống là đại lý. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường bảo hiểm quá nóng, trong đó kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp đã nảy sinh ra nhiều hệ luỵ.
Phát triển kênh Bancassurance tại Việt Nam còn nhiều rủi ro. Ảnh: Vân Trang
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, nhận định, dân số Việt Nam đang trong độ tuổi vàng. Đó là cơ hội phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như: Bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí… Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, đầu tư xây dựng mới ngày càng nhiều, lưu thông buôn bán giữa các địa phương, các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nhiều cơ hội cho việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.
Triển vọng là vậy, song nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nếu muốn phát triển thị trường bảo hiểm, trong đó kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng, chống gian lận bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 4 rủi ro lớn trên kênh Bancassurance. Thứ nhất, nhân viên ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm, có thể dẫn đến chất lượng tư vấn sản phẩm không cao, đôi khi gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng. Nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu, dẫn đến nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm.
Thứ hai, rủi ro xung đột đạo đức nghề nghiệp, xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi ngân hàng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Trong kinh doanh hiện đại, một doanh nghiệp không thể đứng một mình mà phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả phụ thuộc vào đối thủ. Chọn phương thức cạnh tranh như thế nào cho thấy tư duy chiến lược của bộ máy lãnh đạo một doanh nghiệp. Với thị trường bảo hiểm, điều này càng quan trọng hơn, vì cạnh tranh xấu, hành xử thiếu đạo đức kinh doanh là mâu thuẫn trực tiếp với những tính chất cao đẹp, như “bảo vệ”, “nhân văn” của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, là rủi ro lan truyền, hệ thống tài chính rất nhạy cảm, bởi nếu ngân hàng và công ty bảo hiểm xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến đại lý, đối tác của công ty bảo hiểm, các công ty con của ngân hàng mẹ…
Thứ tư, là thiếu sót trong cơ sở dữ liệu của khách hàng, đặc biệt là thông tin bảo mật của khách hàng, của doanh nghiệp kể cả trong việc luật pháp có cho phép các bên chia sẻ thông tin với nhau hay không đến nay vẫn chưa được thông suốt, rõ ràng.
Như vậy, liên quan đến hành lang pháp lý, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, tới đây, các cơ quan chức năng nên bổ sung quy định về Bancassurance trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Có như vậy mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
“Cần có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định, e-KYC, cũng như quy định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng với kênh banca” – TS Cấn Văn Lực bổ sung.
Tác giả: Xuyên Đông
Nguồn: laodong.vn