Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có kế hoạch đẩy mạnh hơn hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), bất chấp lãi suất huy động xuống thấp cũng như việc kênh này bị quản lý chặt hơn.

a-tban-cheo-8486

Bancassurance vẫn “màu mỡ”

Khi được cổ đông hỏi về cơ sở nào để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu 33% và lợi nhuận 25% trong năm 2024, Tổng giám đốc Bảo hiểm Quân đội – MIC (mã MIG) – ông Đinh Như Tuynh cho biết, việc bán các sản phẩm truyền thống tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ là tương tự nhau, nhưng MIC tạo ra các sản phẩm mới là sản phẩm kết hợp, gói sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm vi mô, giá rẻ, dễ bán… để tăng số lượng khách hàng.

“Trong đó, kênh bancassurance với mức tăng trưởng 2 con số hàng năm tiếp tục là kênh bán chủ lực trong năm nay và các năm về sau. Ngoài ngân hàng mẹ MBBank, MIC còn liên kết với 13 ngân hàng khác để bán chéo bảo hiểm”, ông Tuynh nói.

Năm 2023, doanh thu từ kênh bancassurance tại MIC đạt 1.483 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước và chiếm tới 32% tổng doanh thu. Ba tháng đầu năm 2024, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 22% kế hoạch năm. Nhờ đó, MIC đã vào Top 4 doanh nghiệp phi nhân thọ có thị phần doanh thu lớn nhất thị trường, trong đó kênh bán qua ngân hàng tăng trưởng 24% – là mức tương đối cao hiện nay. Phấn đấu kênh này đạt tỷ trọng 30% tổng doanh thu là điều các doanh nghiệp phi nhân thọ đều hướng tới.

Tại Bảo hiểm Agribank – ABIC (mã ABI), năm 2023, doanh thu bảo hiểm tiếp tục qua kênh ngân hàng Agribank là chính, phấn đấu duy trì trên 3 triệu hộ nông dân được bảo hiểm gắn với hoạt động cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng này.

Là công ty con do Agribank nắm giữ cổ phần chi phối, ABIC có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp phi nhân thọ khác trong bán bảo hiểm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tận dụng lợi thế của hệ thống Agribank, ABIC đã xây dựng kênh phân phối qua ngân hàng với 171 tổng đại lý – chi nhánh Agribank, 2.300 điểm giao dịch và hơn 30.000 đại lý viên trên toàn quốc. Hiện tại, cơ cấu doanh thu của ABIC theo phân khúc khách hàng là khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng 76,3% và khách hàng doanh nghiệp chiếm 23,7%.

Hay với Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã PGI), năm 2023, doanh thu khai thác các đơn có chuyển quyền thụ hưởng qua ngân hàng (bao gồm kênh ngân hàng, tổ chức tài chính, đại lý cá nhân của ngân hàng) là 472 tỷ đồng. Hiện tại, PJICO đã hợp tác với 16 ngân hàng, chuẩn bị ký kết hợp tác với 2 ngân hàng là VIB và TPBank, đang đàm phán với 5 ngân hàng (gồm Eximbank, Sacombank, PVcomBank, NCB, Public Bank) và tiếp cận Ngân hàng UOB. Với Vietcombank, sau thời gian hợp tác, đến nay, doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng này của PJICO đạt gần 150 tỷ đồng.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, đâu đó có cổ đông băn khoăn về tiềm năng của kênh bancassurance tại những doanh nghiệp phi nhân thọ không có ngân hàng mẹ “đỡ đầu”, song lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho biết kênh này còn nhiều dư địa khai thác, minh chứng là nhiều doanh nghiệp đang “chạy đua” mở rộng mạng lưới liên kết ngân hàng cũng như hợp tác sâu hơn với các ngân hàng đối tác hiện hữu.

Tăng gửi tiền ngân hàng, “kích” bán chéo bảo hiểm

Nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ đang duy trì tỷ lệ tiền gửi cao hơn hẳn các khoản đầu tư tài chính khác tại các ngân hàng mà họ đang bán chéo bảo hiểm, bất chấp lãi suất có thấp.

Ông Trần Xuân Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm BIDV – BIC (mã BIC) cho biết, năm 2023, tỷ trọng đầu tư của BIC chủ yếu tập trung vào tiền gửi, lên tới gần 80% nguồn vốn, do đang thúc đẩy bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Điều kiện là BIC phải đầu tư tiền gửi tại ngân hàng nếu muốn gia tăng hoạt động kênh bancassurance ở ngân hàng đó. Cũng bởi thế, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu năm 2023 là không cao.

“Năm 2024, hệ thống ngân hàng tiếp tục tập trung hỗ trợ nền kinh tế nên lãi suất tiền gửi được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp. BIC đã tăng cường đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu trong năm nay, nhưng vẫn duy trì tỷ trọng tiền gửi cao tương tự các năm trước để đảm bảo an toàn vốn cũng như hỗ trợ hoạt động bán chéo qua các ngân hàng”, lãnh đạo BIC chia sẻ thêm.

Tại ABIC, tỷ trọng tiền gửi ngân hàng hiện chiếm trên 70% nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ khác cũng duy trì tỷ lệ tiền gửi cao hơn hẳn các khoản đầu tư tài chính khác tại các ngân hàng mà họ đang bán chéo bảo hiểm, bất chấp lãi suất có thấp.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành với các mức giảm từ 0,5-2%/năm, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay xuống mức thấp như hiện nay.

Theo PJICO, hiện tại, lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh so với đầu năm 2023, đặc biệt ở nhóm “Big4” (là 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) với mức giảm từ 4,5-5%/năm, tức giảm khoảng 25% so với lãi suất tiền gửi bình quân năm 2023, dẫn đến doanh thu đầu tư tiền gửi năm 2024 sẽ bị sụt giảm đáng kể so với năm 2023.

Những năm trước đây, doanh số bán bảo hiểm qua kênh bancassurance thường không được các doanh nghiệp phi nhân thọ công bố vì quá thấp, mà chỉ các doanh nghiệp nhân thọ báo kết quả cao, thì nay đã tự tin công khai con số này.

Năm qua, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của khối bảo hiểm nhân thọ giảm mạnh (theo thống kê của Bộ Tài chính, có tới 3,39 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực trong năm 2023) đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng lại là cơ hội cho khối phi nhân thọ tận dụng ưu thế mạng lưới, khai thác tiềm năng dư nợ để phát triển các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ được bán theo năm, tập trung vào mảng bảo hiểm con người.

Tại MIC, năm 2023, doanh thu mảng bảo hiểm con người chiếm tỷ trọng 25% trong tổng doanh thu, chỉ xếp trên bảo hiểm hàng hải (tỷ trọng 15%) và đứng sau bảo hiểm xe cơ giới (tỷ trọng 36%), bảo hiểm tài sản kỹ thuật (tỷ trọng 26%). Lãnh đạo MIC cho biết, nghiệp vụ bảo hiểm con người sẽ tiếp tục được đẩy mạnh qua các kênh phân phối gồm bancassurance, đại lý và kênh số trong năm 2024.

Không chỉ MIC, tại nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ khác, doanh thu bảo hiểm xe cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu.

Chẳng hạn, tại Bảo hiểm Hàng không – VNI (mã AIC), năm 2023, nhà bảo hiểm này đã phát triển thêm đối tác ngân hàng mới, đưa tổng số ngân hàng đối tác lên con số 13, kênh này mang về doanh số khoảng 17,9% tổng doanh thu.

Chương trình thúc đẩy kênh bán qua ngân hàng (không bao gồm sản phẩm Bảo an tín dụng) đã giúp doanh thu của VNI tăng trưởng 5,5% trong năm qua. Tuy nhiên, tỷ trọng khai thác chưa đồng đều, kênh ngân hàng của VNI vẫn chủ yếu bán bảo hiểm xe (chiếm tới 90%). Bởi vậy, đạt doanh thu cao từ bán bảo hiểm sức khỏe qua kênh ngân hàng đang là mục tiêu VNI hướng tới.

Thực tế, việc phân phối sản phẩm tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có công ty mẹ là ngân hàng dường như có nhiều lợi thế hơn so với các kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng theo kiểu liên kết, độc quyền. Lợi thế là vậy, nhưng lợi nhuận từ kênh này vẫn là một ẩn số bởi chi phí đầu tư cho kênh này thường rất cao, đó là chưa kể cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau và ngay tại nội bộ doanh nghiệp trong việc giành kênh bán cũng khốc liệt không kém.

Nguồn: Bảo hiểm phi nhân thọ đẩy mạnh bán chéo qua ngân hàng | Tin nhanh chứng khoán (tinnhanhchungkhoan.vn)