Thực tế, túi tiền quốc gia đã luôn là nỗi lo
canh cánh của nền kinh tế Việt Nam, khi tình hình bội chi ngân sách luôn thường
trực, với khoảng 5% GDP trong năm 2015 này, thậm chí là cao hơn. Câu chuyện
càng trở nên nóng hơn khi tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ, sau khi cân đối ngân sách địa phương, thì ngân
sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng để chi, trong khi vẫn còn phải dành tiền
để trả nợ.




Dù Bộ Tài
chính sau đó đã trấn an rằng, dự toán chi tiêu ngân sách đối với
chiđầu tư từ vốn ODA năm 2016 sẽ tăng lên 50.000 tỷ đồng (tăng
30.000 tỷ đồng so với năm nay), do vậy, vốn chi cho đầu tư phát triển cho năm
2016 vẫn đảm bảo và tăng khoảng 31% so với năm 2015, song nỗi lo về túi tiền
quốc gia vẫn còn đó.

Không lo sao được khi
thực tế rõ ràng rằng, ngân sách Việt Nam bao lâu nay luôn trong tình trạng bội
chi. Thu chỉ đủ để chi thường xuyên, còn muốn đầu tư thì đều phải đi vay. Trong
khi đó, nợ công vẫn đang tăng nhanh, năm 2015 ở mức 61,3% và năm 2016 dự báo
trên 63%.

Dù vẫn thấp hơn ngưỡng
an toàn nợ công (65%) và thực tế thì tỷ lệ nợ công bao nhiêu không quan trọng,
mà quan trọng là hiệu quả sử dụng nợ công thế nào và khả năng trả nợ ra sao,
song đặt trong bối cảnhkinh tếcòn khó khăn, túi tiền quốc gia eo
hẹp, thì không thể không lo.

Không lo sao được khi
tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua chỉ đạt 5,88%, trong khi nợ công
lại tăng bình quân tới 18%/năm. Một nền kinh tế mà phải đem mọi thứ ra để cân
đối thu – chi, thì rủi ro là không nhỏ.

Năm ngoái, Chính phủ đã
quyết định phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ở thị trường nước ngoài. Mới đây lại
tiếp tục đề xuất việc phát hành tiếp 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Cũng đã
vayNgân hàngNhà nước 30.000 tỷ đồng, đã yêu cầu thoái vốn nhà nước
ở 10doanh nghiệpnhà nước lớn để lấy tiền chi cho đầu tư. Rồi cũng
đã đề xuất phát hành trái phiếu trong nước với cả kỳ hạn 3 năm, chứ không chỉ
là 5 năm như trước…

Từng ấy động thái đã
khiến nỗi lo đối với túi tiền quốc gia càng lớn hơn nữa. Ngân sách eo hẹp thì
buộc phải đi vay để đầu tư. Càng vay, nợ công càng lớn.

Trong khi đó, có thể lại
một lần nữa, lời hứa tăng lương trong năm nay không thể thực hiện được. Điều
này đã khiến không ít đại biểu Quốc hội canh cánh, vì đã 3 năm nay hứa suông
với cử tri, nói mà không thực hiện. Ngân sách eo hẹp vậy, thì lấy đâu tiền để
tăng lương?

Câu chuyện nằm ở chỗ, dù
ngân sách eo hẹp, nhưng chi thường xuyên lại quá lớn. Nào hội họp, lễ hội, lễ
kỷ niệm, đi công tác, đi du lịch nước ngoài, mua sắm xe công… Chi cho đầu tư
phát triển cũng chưa khắc phục được dàn trải, manh mún, lãng phí, tham nhũng…

Bởi vậy, vấn đề trong
lúc này không phải là “lo suông” cho túi tiền của quốc gia. Thúc đẩy sản xuất –
kinh doanh, đầu tư để tăng thu là một chuyện. Chuyện khác là phải tiết kiệm,
chống lãng phí, trong đó, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay,
cần thiết thì chấp nhận phát hành trái phiếu chính phủ cả trong nước và quốc tế
để cơ cấu lại nợ. Cũng cần thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước để có
thêm tiền chi cho đầu tư. Nhưng quan trọng là làm sao giám sát, minh bạch được
các khoản vay đó, làm sao để sử dụng thực sự hiệu quả, bởi nếu không, ngân sách
càng nặng nợ thì rủi ro cho nền kinh tế càng lớn.

Một giai đoạn phát triển
mới của nền kinh tế đang bắt đầu, bởi thế, cần những giải pháp thực sự căn cơ
để không còn phải quá lo lắng về túi tiền quốc gia.

Theo baodautu.vn