(ĐTCK) Nếu tiếp tục coi kinh tế Nhà nước là
chủ đạo, thì sở hữu toàn dân, mà thực chất là sở hữu nhà nước, sẽ phải tiếp tục
chiếm ưu thế; chúng ta không thể kết thúc quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế
hoạch sang kinh tế thị trường đầy đủ.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư
vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để
hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2020” nhằm tập trung phân tích, làm rõ
thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, chỉ ra những ‘nguy cơ” tụt hậu so với các
nước khác trong khu vực và trên thế giới… xác định những nút thắt thể chế; trên
cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị đổi mới tư duy phát triển, các giải pháp cải
cách thể chế kinh tế trong thời gian tới.

Đánh giá về kết quả tiến
trình cải cách được triển khai trong gần 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong
phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế Việt Nam gần đây cho
thấy những dư địa để phát triển nhờ cải cách từ năm 1986 đến nay đã cạn dần,
đặc biệt từ năm 2008 đến nay.


Cũng theo Bộ trưởng Bùi
Quang Vinh, nhiều rào cản lớn về thể chế kinh tế đã xuất hiện; thể chế kinh tế
hiện hành có những khoảng cách, những khác biệt so với thể chế kinh tế của các
nền kinh tế thị trường ở Châu Âu, Hoa Kỳ và với nhiều nước trong khu vực…


“Từ thực tế trên,
đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới vai trò của Nhà nước và thị
trường, nâng cấp thể chế kinh tế thị trường, tạo hệ thống động lực khuyến khích
mới theo chuẩn mực kinh tế thị trường phổ biến và hiện đại, qua đó thực hiện
phân bổ lại và sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang
Vinh nhấn mạnh.

Cuộc hội thảo khoa học do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức


Chỉ ra thực trạng phát
triển kinh tế – xã hội Việt Nam và nguy cơ tụt hậu, đại diện Tổng cục Thống kê,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2014 đạt
2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân:
Malaysia (năm 1988); Thái Lan (năm 1993); Indonesia (năm 2008); Philippine (năm
2010); Hàn Quốc (1982).

Xét trên giác độ GDP
bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25
năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.


Trước những nguy cơ tụt
hậu của nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế
Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, không thể chần chừ cải cách thể chế để phát triển
bởi cải cách là con đường sống duy nhất để Việt nam thoát khỏi sự tụt hậu ngày
càng lớn so với khu vực và thế giới.


“Nếu tiếp tục coi kinh
tế Nhà nước là chủ đạo, thì sở hữu toàn dân, mà thực chất là sở hữu nhà nước,
sẽ phải tiếp tục chiếm ưu thế; chúng ta không thể kết thúc quá trình chuyển đổi
từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Bởi vì chuyển đổi
sở hữu từ sở hữu toàn dân là chủ yếu sang sở hữu tư nhân là chủ yếu, nhất là sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là một trụ cột cơ bản của chuyển đổi sang kinh
tế thị trường; thị trường các yếu tố sản xuất hoặc không thể hình thành, hoặc
không thể phát triển, nhiều sai lệnh, rủi ro cao, chi phí cao… không thể là
công cụ phân bổ và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực khan hiếm của xã hội”,
ông Cung nhấn mạnh.


Đề xuất các giải pháp
cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng,
cần cơ cấu lại ngân sách, nhất là chi ngân sách và nâng cao hiệu quả các khoản
chi ngân sách; dành tỷ lệ cao hơn, với số vốn nhiều hơn cho đầu tư; đồng thời,
tuyệt đối không bố trí vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án, công trình chưa
cần thiết…


Bên cạnh đó, tiếp tục
các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về điều kiện
kinh doanh, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy
định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và môi
trường; tạo và củng cố thêm mức độ an toàn, giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo
thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh…

Ở góc độ khác, PGS.TS
Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
phải đổi mới tư duy phát triển và đổi mới mô hình phát triển kinh t
ế.

“Đổi mới tư duy
phát triển là sự thay đổi cách thức suy nghĩ, quan niệm, cách tiếp cận về mô
hình phát triển. Theo đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi
hình thức sở hữu tham gia cung cấp dịch vụ công dưới nhiều hình thức. Không
phân biệt giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập”, ông Thắng
khuyến nghị.


Giám đốc Trung tâm Thông
tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, bà Mai Thị Thu đề cập vấn đề đảm bảo
bình đẳng trong cung ứng và khả năng tiếp cận tốt nhất của đối tượng hưởng thụ.


Theo bà Thu cần phân
định rõ chức năng của Nhà nước và thị trường ở từng khâu của quá trình tổ chức
cung ứng dịch vụ; đồng thời, cơ chế chính sách của Nhà nước phải được xây dựng
lại, không theo loại hình đơn vị cung ứng, mà cần thống nhất.

Theo tinnhanhchunkhoan.vn