Các tổn thất thiên tai năm 2013 thấp hơn mức trung bình của 10 năm gần đây; Năm 2014 giá phí TBH giảm, tiếp tục xu hướng “cung” TBH cao hơn “cầu” TBH; Năm 2014 các nước BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đang xem xét khả năng cùng thành lập một công ty TBH để phục vụ quyền lợi của họ, …. là những tin tức mới của thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN và thế giới.


Thế giới: Các tổn thất thiên tai năm 2013 thấp hơn mức trung bình của 10 năm gần đây. Thảm họa thiên tai như bão, lụt làm trên 20.000 người chết và gây thiệt hại khoảng 125 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2013, thấp hơn so với mức trung bình thiệt hại do thiên tai trong 10 năm gần đây (người chết : 106.000 người/1 năm; thiệt hại kinh tế : 184 tỷ USD/1 năm). Tổn thất được bảo hiểm khoảng 31 tỷ USD, cũng thấp hơn mức trung bình 10 năm gần đây là 56 tỷ USD/1 năm. Tuy nhiên số lượng thiên tai lại nhiều hơn mức trung bình (880 thiên tai so với mức trung bình 790). Sự kiện thiên tai lớn nhất năm 2013 là siêu bão Hải Yến ở Philipin tháng 11/2013 và đợt mưa đá cuối tháng 7, đầu tháng 8/2013 ở Đức, trong đó đợt mưa đá (với những viên đã đường kính kỷ lục 14cm) là thiên tai gây thiệt hại tài sản lớn nhất năm 2013 : 5,2 tỷ USD, trong đó có 4,1 tỷ USD được bảo hiểm.


(Theo Tạp chí bảo hiểm châu Á)


Thế giới: Năm 2014 giá phí TBH giảm; tiếp tục xu hướng “cung” TBH cao hơn “cầu” TBH. Nguồn vốn từ các thị trường vốn phi truyền thống đã đổ vào thị trường TBH hơn 50 tỷ USD, trong khi xu hướng các công ty BH lớn tiếp tục nâng mức giữ lại khiến giá phí TBH tiếp tục giảm. Giá phí TBH hợp đồng phi tỷ lệ giảm, hoa hồng theo lãi của hợp đồng TBH tỷ lệ tăng đối với các khách hàng là các công ty BH gốc lớn. Phí TBH tổn thất thảm họa toàn thế giới giảm 11% (chủ yếu do mức giảm trung bình 15% tại thị trường Mỹ).


(Theo Willis Re)


Thế giới: Năm 2014 các nước BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đang xem xét khả năng cùng thành lập một công ty TBH để phục vụ quyền lợi của họ. Ý tưởng thành lập công ty TBH này để nhận BH các dự án xây dựng hạ tầng lớn mà các nước BRICS đang tập trung thực hiện và để đối phó với các hình thức cấm vận hiện các nước phương Tây đang thực hiện, ví dụ như cấm vận đối với Iran là nhà cung cấp dầu thô chủ yếu cho Ấn Độ và một số nước BRICS khác. Cấm vận nhập khẩu dầu từ Iran của Mỹ và EU dẫn đến các công ty TBH lớn trên thế giới đưa điều khoản về cấm vận không nhận bảo hiểm rủi ro vận chuyển dầu từ Iran, khiến một nước BRICS như Ấn Độ phải thành lập Quỹ bảo hiểm năng lượng trị giá 322 triệu USD để bảo hiểm vận chuyển dầu thô từ Iran.


(Theo tạp chí bảo hiểm châu Á)


Châu Á: Các công ty BH có xu hướng chuyển dịch sang các công cụ đầu tư hiệu suất cao hơn, giảm tỷ lệ các tài sản thanh khoản tốt. Nghiên cứu của tổ chức Blackrock Inc phối hợp với Economist Intelligence Unit chỉ ra rằng: 75% các công ty BH châu Á sẽ có những thay đổi chiến lược về đầu tư trong giai đoạn 3 năm tới để nâng doanh thu hoạt động đầu tư. Do lãi suất tiền gửi thấp, 100% các công ty ở Trung Quốc và Singapore, 75% công ty ở Đài Loan, 67% công ty ở Malaysia sẽ chuyển dịch cơ cấu tài sản sang các công cụ thu nhập cố định có hiệu quả cao hơn. 74% các công ty BH sẽ gia tăng sử dụng ETF( Exchange Traded Funds) trong vòng 3 năm tới.


(Theo báo cáo của Blackrock Inc)


Châu Á: Bảo hiểm vi mô mang lại lợi ích cho hơn 172 triệu người, tăng trưởng trung bình 40% giai đoạn 2010- 2012. Ấn Độ dẫn đầu về quy mô với hơn 100 triệu người được BH, Malaysia và Indonesia là thị trường tăng trưởng mạnh nhất (Malaysia tăng trưởng 185%, Indonesia tăng hơn 100%). Hiện tại bảo hiểm sinh mạng là rủi ro chủ yếu người dân tham gia bảo hiểm (83 triệu người), tiếp theo là tai nạn (77 triệu người), sức khỏe (27 triệu người), nông nghiệp (26 triệu người), tài sản (7 triệu người). Ngoài ra, khoảng hơn 1,6 tỷ người được bảo hiểm theo các chương trình bảo hiểm bao cấp được gọi là “bảo hiểm vi mô xã hội”. Mặc dù có những thành tựu tốt một số năm gần đây, bảo hiểm vi mô mới chỉ bảo hiểm được dưới 5% dân số châu Á.


(Theo nghiên cứu của Munich Re)


Châu Á: AIA ký một thỏa thuận Bancassurance lớn nhất trong lịch sử. Ngân hàng Citigroup của Mỹ đã lựa chọn Tập đoàn AIA bán bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống chi nhánh của Citigroup tại 11 quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho AIA tiếp cận được hơn 34 triệu khách hàng cá nhân của Citigroup. Đây là thỏa thuận bancassurance lớn nhất từng được ký ở châu Á. Thỏa thuận kéo dài 15 năm này cho phép AIA – nhà bảo hiểm lớn thứ 3 thị trường khu vực tính theo giá trị thị trường, được bán các sản phẩm nhân thọ cho khách hàng của ngân hàng qua các kênh phân phối lẻ, bao gồm các chi nhánh, các kênh telemarketing và bán hàng qua mạng, tuân thủ theo các giấy phép của Citibank và các quy định của địa phương. Quan hệ đối tác này sẽ bắt đầu từ tháng 1/2014. Thỏa thuận này có thể tạo ra doanh thu tới 20 tỷ USD bao gồm các khoản hoa hồng và chi phí trả trước. 11 thị trường theo thỏa thuận này là Trung Quốc, Hongkong, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philipin và Việt Nam.


(Theo Tạp chí bảo hiểm châu Á)


Thái Lan: Tốc độ tăng trưởng BH phi nhân thọ dự kiến chậm lại trong năm 2014, khoảng từ 10%-15% (tỷ lệ tăng trưởng 2013 dự kiến 15%) do sụt giảm số lượng các đơn bảo hiểm ô tô và bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp. Tỷ trọng bảo hiểm ô tô trong tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng vọt lên 60% do chương trình “ô tô đầu tiên” của Chính Phủ. Năm 2014, chương trình này đã chấm dứt, doanh thu bảo hiểm ô tô sẽ sụt giảm nhiều. Xe mới bán ra dự kiến sẽ giảm khoảng 10%- 15% xuống mức từ 1,1 triệu xe – 1,7 triệu xe vào năm 2014. Phí BH mọi rủi ro công nghiệp (IAR) cũng dự kiến sẽ giảm vào năm tới sau khi tăng trưởng tốt trong 2 năm 2012, 2013 khi các doanh nghiệp lo ngại về thảm họa thiên tai sau các trận lụt lịch sử năm 2011 tại Bangkok.


(Theo Hiệp hội bảo hiểm Thái Lan- TGIA)


Malaysia: Ngành bảo hiểm dự kiến tăng trưởng ổn định năm 2014. Kết quả kinh doanh sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các thị trường đầu tư. Tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất tiền gửi giảm xuống, thị trường bảo hiểm tăng trưởng cơ bản do tăng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tỷ trọng phí BH/GDP). Bảo hiểm nhân thọ dự kiến có khởi sắc ở phí bảo hiểm khai thác mới, các công ty đầu tư mạnh mẽ vào các phân khúc thị trường chưa khai thác. Phí bảo hiểm tăng do tỷ lệ thâm nhập thị trường còn thấp, và Chính Phủ đang có kế hoạch đảm bảo tối thiểu 75% người dân được bảo hiểm vào năm 2020 (hiện tại đang là 54%) – điều này sẽ thúc đẩy các công ty bảo hiểm và công ty takaful xem xét phát triển các chương trình bảo hiểm vi mô và takaful vi mô, xây dựng các kênh phân phối đến được vùng nông thôn miền núi, các nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp.


(Theo báo cáo của Ernst & Young Malaysia)


Trung Quốc: Năm 2014 quy định các sản phẩm nhân thọ sẽ có mã số Cơ quan quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) yêu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ gắn mã số để giúp khách hàng có thể kiểm tra qua mạng online. CIRC hiện đang làm việc với Hiệp hội bảo hiểm Trung Quốc (IAC) về dự án số hóa này. Theo kế hoạch, đến 01/8/2014 IAC sẽ xây dựng xong cơ sở dữ liệu số gồm tất cả các chi tiết của đơn bảo hiểm và khách hàng có thể truy cập kiểm tra hợp đồng của mình theo mã số qua mạng. Tất cả các hợp đồng BH cấp từ 01/1/2014 phải có mã số theo quy định, các hợp đồng đã cấp trong vòng 4 năm từ 2009- khi Luật sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực, đến 2013 cũng sẽ phải bổ sung mã số, và việc này phải hoàn thành trước ngày 01/8/2014.


(Theo Tạp chí bảo hiểm châu Á)


Nhật Bản: Xu hướng tăng lợi nhuận của các công ty BH nhân thọ Nhật Bản tiếp tục trong năm 2014 do tình hình đầu tư được cải thiện và lợi nhuận tăng trưởng tốt của lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe. Thứ nhất là do hoạt động đầu tư được duy trì từ ổn định đến cải thiện, lần đầu tiên trong 2 thập niên đã có kết quả khả quan, do lãi chia đảm bảo của chủ hợp đồng BH giảm, và lợi tức đầu tư của công ty BH đang có xu hướng tăng. Thứ hai, tỷ lệ bệnh tật và tử vong duy trì ổn định, các công ty BH đang chuyển hướng tập trung khai thác nhiều hơn các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe là các sản phẩm đang mang lại lợi nhuận cao.


(Theo báo cáo của Fitch Rating)


Đài Loan: Năm 2014 có thể sửa Luật bảo hiểm để tạo điều kiện cho hoạt động mua bán sáp nhập tổ chức tài chính ở nước ngoài của các doanh nghiệp BH Đài Loan.


Ủy ban giám sát tài chính Đài Loan (FSC) sẽ tham vấn với các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để thực hiện nghiên cứu khả thi việc cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Đây là tiết lộ của ông William Tseng, Chủ tịch FSC sau khi công ty BH nhân thọ lớn nhất Đài Loan Cathay Life kêu gọi đề nghị nới lỏng kiểm soát các quỹ bảo hiểm – một động thái có thể giúp các công ty BH Đài Loan trong các hoạt động mua bán sáp nhập ở nước ngoài. Cathay Life lưu ý rằng quỹ bảo hiểm ở Đài Loan đã đạt con số 16 nghìn tỷ NT$ (536 tỷ USD), hàng năm tăng thêm khoảng 2 nghìn tỷ NT$. Việc nới lỏng các quy định kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho các công ty BH Đài Loan mở rộng khả năng đầu tư ra khu vực và tăng tính hiệu quả của sử dụng vốn.


(Theo tạp chí bảo hiểm châu Á)


Hàn Quốc: Từ tháng 1/2014, tăng phí bảo hiểm các xe ô tô do các hãng nước ngoài sản xuất trung bình khoảng 11,3%, trong khi giảm phí bảo hiểm những xe do Hàn Quốc sản xuất trong nước trung bình khoảng 2,9%. Theo biểu phí bảo hiểm mới, 32 trong số 34 mẫu xe nước ngoài sẽ bị tăng phí bảo hiểm (bao gồm xe của các hãng Chrysler, Ford, Peugeot và Volvo), trong khi 60 trên 172 mẫu xe Hàn Quốc sẽ được giảm phí bảo hiểm. Chính Phủ Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch cho phép các công ty BH phi nhân thọ được tăng phí bảo hiểm đối với xe ô tô nhập khẩu do kết quả kém của kinh doanh bảo hiểm xe ô tô nước ngoài nhập khẩu nguyên nhân do chi phí phụ tùng, sửa chữa cao. Theo Viện phát triển bảo hiểm Hàn Quốc (Korea Insurance Development, KIDI), tỷ lệ bồi thường xe nhập khẩu năm vừa qua là 83%, xe nội địa là 65%. Tỷ lệ bồi thường ở mức 70-72% được xem là điểm hòa vốn của các công ty bảo hiểm lớn, ở mức 75%- 80% là điểm hòa vốn của các công ty BH nhỏ. Năm ngoái chi phí sửa chữa trung bình của xe nhập khẩu ở mức 2,33 triệu KRW (2.215 USD) trong khi cho 1 xe nội địa là 540.000 KRW. Chi phí thanh toán bồi thường bảo hiểm trung bình cho 1 xe nhập khẩu là 2,96 triệu KRW và xe nội địa là 1 triệu KRW.


Theo Hiệp Hội Bảo hiểm Việt Nam