“Nắng ấm” dần lên
Theo đó, đến hết tháng 5/2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 92.465 tỷ đồng, tăng trưởng gần 5% so với cùng kỳ của năm 2024. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 57.277 tỷ đồng, tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ 2024. Còn doanh thu của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.188 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ 2024.
“Đây là tín hiệu rất mừng sau vài năm trầm lắng của thị trường bảo hiểm, liên tiếp sụt giảm về doanh thu, tăng trưởng èo uột. Đó là nhờ nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức…”, Tổng thư ký IAV chia sẻ.
Ở khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, “ông lớn” dẫn đầu là Bảo hiểm PVI ước đạt tổng doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025, tự tin với mục tiêu trở thành “doanh nghiệp tỷ đô” năm nay. Riêng trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI ước đạt 288 tỷ đồng, hoàn thành 163,3% kế hoạch quý, phản ánh hiệu quả trong việc tăng trưởng doanh thu và kiểm soát rủi ro.
Còn Bảo hiểm VietinBank (VBI) chia sẻ rằng, 5 tháng đầu năm cũng đạt kết quả khả quan với tổng doanh thu khoảng 1.750 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 37% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế tăng tới gần 18%, đạt khoảng 210 tỷ đồng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng đầu tư vào công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong quá trình tham gia bảo hiểm.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhìn nhận, kết quả 5 tháng đầu năm 2025 tăng gần 5% về tổng doanh thu phí bảo hiểm cho thấy thị trường đang tăng trưởng tích cực về mặt con số, bên cạnh những bước chuyển mình khác, thể hiện qua việc chủ động triển khai các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, hỗ trợ khách hàng kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như cải tiến quy trình vận hành nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Còn ông Bùi Gia Anh cho hay, niềm tin của người dân với bảo hiểm, nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng, đã tăng trở lại. Để thúc đẩy đà phục hồi này, cơ quan quản lý đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường như đa dạng hóa sản phẩm, chuẩn hóa quy trình bồi thường, công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng…
Là “tân binh” mới nhất của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ông Bae Seung Jun – Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam cũng tin rằng, khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác, họ sẽ cởi mở hơn và chủ động tham gia bảo hiểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Với khối nhân thọ, từ 1/7/2025 sẽ đón những thay đổi lớn khi một loạt doanh nghiệp bảo hiểm như Prudential, Daiichi, AIA, Manulife, Sun Life… ngừng bán hoặc điều chỉnh nhiều sản phẩm hiện hữu theo yêu cầu của Nghị định 46/2023/NĐ-CP. Đây cũng là cơ hội để khối này tái cơ cấu danh mục sản phẩm, mang đến các giải pháp bảo hiểm phù hợp hơn với quy định mới và nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, các sản phẩm trong thời gian tới sẽ có những thay đổi rõ rệt, hướng tới sự tinh gọn, minh bạch và bảo vệ thiết thực hơn cho khách hàng.
Từ đây, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thu hút thêm khách hàng thật trong bối cảnh cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm nhân thọ vừa qua với nhiều hợp đồng bảo hiểm được ký kết không đúng ý nghĩa về bảo vệ. Công cuộc tái cơ cấu trên diện rộng của toàn thị trường thời gian qua cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm các hợp đồng bảo hiểm chất lượng, lực lượng kinh doanh bảo hiểm có đủ kiến thức về tài chính, quản trị rủi ro và biết cách tư vấn tốt cho khách hàng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng
Mục tiêu trong tầm tay
Đánh giá về thị trường bảo hiểm thời gian tới, tại buổi tiếp đón ông Noriyuki Hara – Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm MS&AD hôm 27/5/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm còn lớn.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, do ngành bảo hiểm có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng GDP, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng tốc, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số thời gian tới, lĩnh vực bảo hiểm chắc chắn sẽ tăng trưởng tương ứng. Tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn kịch bản đề ra, nhưng là mức tăng cao nhất so với quý I các năm từ 2020-2025 và Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ nêu rõ quan điểm phát triển thị trường bảo hiểm một cách chủ động, tích cực, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành tài chính và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới dự kiến doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025 quy mô đạt 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3-3,5% GDP.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng cho biết, đặt ra mục tiêu tăng trưởng như trên là bởi quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhỏ so với khu vực và thế giới. Điều này là thách thức, nhưng cũng là cơ hội khi ngành quyết tâm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hiện hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm liên tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển. Các văn bản này đã đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Tính đến hiện tại, giới phân tích bảo hiểm cũng cho rằng, chỉ cần mỗi người dân sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chăm sóc sức khỏe nhỏ, chỉ vài triệu đồng mỗi năm (nhờ sự trợ giá của của Nhà nước), thì mục tiêu 18% kể trên là trong tầm tay.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-bao-hiem-dang-am-dan-len-post372095.html